Mẹ tôi, người con gái xứ Nghệ, sinh ra trong một gia đình nhà Nho. Ngoại tôi là một ông Đồ, sau cách mạng theo Đảng nuôi bảy chị em ăn học. Thời con gái mẹ tôi nổi tiếng học giỏi, xinh đẹp nhất nhì của vùng sơn cước Hương Khê - Nghệ Tĩnh, làn da trắng hồng, đôi má đầy đặn, mái tóc đen nhánh dài quá đầu gối đã từng làm ngất lòng nhiều chàng trai cùng trang lứa.
Không hiểu duyên
số trời xe thế nào mà cô gái xứ Nghệ ấy gặp cha tôi - chàng trai xứ Lệ tại
trường Trung cấp cơ khí Vĩnh Phúc, hai người đã đem lòng yêu thương quyết đến
với nhau mặc cho bạn bè, gia đình ngăn cản vì xa xôi cách trở, tàu xe khó
khăn. Sau này chúng tôi hỏi đùa mẹ: tại sao hồi đó mẹ lại “lấy cha”? Mẹ cười:
mẹ lấy cha vì cha là người thông minh, học giỏi nhất khoá học năm 71-73 của
trường. Tôi hiểu rằng con người đến với nhau không chỉ bằng rung động của trái tim
mà cả sự cảm phục của lí trí.
Ngày cưới, gia
đình ngoại tôi đã khóc hết nước mắt khi đưa con gái mình vượt đèo Ngang bằng
tàu chợ đến ga Phú Hoà, phải đi bộ hơn 3 cây số trên con đê Hói Cùng lầy lội,
ngập nước. Lần đầu tiên đối diện với cảnh ruộng nước mênh mang của vùng chiêm
trũng Lệ Thuỷ ai cũng ái ngại cho cô dâu trẻ. Xót xa hơn khi đến nhà trai chỉ
có ông tôi, hai O và một số bà con hàng xóm chui ra từ hai mái tranh úp tạm,
cột kèo cháy nham nhở sau những trận bom của giặc Mỹ. Lễ cưới được tổ chức đơn
giản, vui cũng có, ngậm ngùi cũng không ít, bà con đi xem rước dâu xì xào, bàn
tán: người rứa về roọng su thì nhổ má, đi cấy chi được? Có người bán tính bán nghi:
có thể đó là người thị thành ?
Mẹ tôi về nhà
chồng chỉ còn Ông nội tôi, O đầu đã lấy chồng, O sau theo sự nghiệp đèn sách.
Thế là mẹ tôi phải bỏ cả công danh, sự nghiệp để làm hậu phương vững chắc cho
cha tôi yên tâm học tập, công tác.
Con gái xứ Nghệ
da trắng như trứng gà bóc làm sao biết việc ruộng đồng! Mẹ tôi bắt đầu tập
chèo, tập chống, tập cấy, tập gặt. Thời ba khoán, vào vụ cấy chung ăn công
điểm, mẹ tôi cũng cật lực, bì bỏm cấy lúa như mọi người. Lúc đầu chưa quen,
gắng làm và nhờ sự trợ giúp của các mụ, mấy o cấy phụ vài lối mẹ cũng hoàn
thành… Rồi đến viêc đi lấy củi Rào Mệ, Rào Con, Thác Coc, Cổ Kiềng, gánh ruốc ở
Biển Lấp (Sen Thuỷ)… họ một gánh mẹ tôi cũng một gánh. Lên rừng, xuống biển ở
đâu trên đất Lệ Thuỷ mẹ cũng đặt chân đến không thua kém những người dân “roọng
su” thực sự. Thời gian trôi dần theo năm tháng. Làn da trắng của người con gái
xứ Nghệ ngày nào giờ đây đã điểm thêm cái chất mặn mà của vùng quê “hai huyện”,
cái nóng hầm hập của ngọn gió Lào vào tháng Năm mùa hạ. Nhìn dáng vẽ của mẹ
tôi, khó có thể đoán được đó là một thục nữ xứ Nghệ tươi tắn thuở nào…Tất cả,
vì thiên chức của người phụ nữ, vì công việc, vì cả “tố chất roọng su” quê tôi
đã làm cho mẹ cứng cáp hơn. Rồi đó, mẹ tôi trở thành xã viên gương mẫu của HTX
Mỹ Lộc. Cho đến bây giờ người dân trong vùng vẫn thường nhắc đến mẹ tôi với sự
thán phục về tính chịu khó, siêng năng và họ thường lấy mẹ tôi để làm gương cho
những người con dâu mới lần đầu về nhà chồng.
Chị gái đầu của
tôi chào đời ngay sau ngày Miền Nam
hoàn toàn giải phóng (1/5/1975), đến anh trai tôi, đến tôi. Tất cả việc ruộng
vườn, con cái đều đè nặng trên đôi vai của mẹ. Ông nội tôi tuổi già nhưng vì
thương con dâu tần tảo, chiu khó cũng cố gắng để đạp lúa, rũ rơm, phơi thóc và
trông coi lũ cháu nhỏ. Cha tôi công tác ở Bình- Trị- Thiên vài ba tháng mới ra
thăm nhà một lần. Tôi nhớ như in trong một đêm đầu tháng Chín, trời mưa như
trút nước, gió rít lên từng cơn ào ào, tấm phên cửa thỉnh thoảng bị gió hất
tung lên rồi đập xuống đánh rầm. Chị em tôi học bài dưới ngọn đèn dầu tắt lên
tắt xuống vì gió bão. Mẹ vẫn chưa về! Ông tôi kéo chiếc nong che lại chổ lúa
vừa phơi lúc chiều, lẩm bẩm: năm ni bạo về sớm thiệt, không biết mẹ bây cắt hái
răng mà chừ vẫn chưa vô?! Nóng ruột, ông tôi đội mưa đi tìm. Về đến bờ sông thì
thuyền mẹ tôi cũng cập bến, Ông hỏi to dưới gió bão: có phải Châu đó không con?
Răng về túi rứa? Xen trong âm thanh của gió rít là tiếng của mẹ: con bị chìm đò
Bọ ạ! Thì ra hôm đó gặt xong chất lúa lên thuyền khi ra giữa dòng vì lúa ướt
nặng, gió to nên thuyền mẹ tôi đã bị lật, mẹ phải vật lộn với nước lũ để cứu
lúa. Mẹ về, chúng tôi khóc chỉ vì nhớ mẹ mà không biết những nhọc nhằn mà mẹ
vừa trải qua. Sau này, khi đã đủ trí khôn, nhớ lại mẹ gan góc chống chọi với
sóng nước vì sự bình yên, ấm cúng của con cái, chúng tôi không khỏi cảm phục,
giật mình, bàng hoàng.
Chúng tôi lớn lên
trong tình thương và những câu hát ví, hát dặm của mẹ. Và, có cả tình cảm của
mẹ dành cho quê Ngoại, hướng chúng tôi về quê hương của mẹ. Có lần thấy mẹ đứng
lặng nhìn về một phía xa xăm, khoé mắt ướt nhoè, chắc là mẹ nhớ về quê Ngoại.
Tôi nhớ lần đầu tiên mẹ dẫn chúng tôi về thăm Ngoại, hồi đó tôi còn bé tí chạy
lon ton, chạy mỏi chân tôi lại bắt mẹ bồng, thích nhất là ngồi trên Tàu, tôi cứ
nhìn chăm ra cửa sổ, con tàu lướt vun vút qua cánh đồng, đồi núi, làng mạc cảnh
vật thay đổi từ điều lạ này đến điều lạ khác không chán mắt. Quê Ngoại tôi nằm bên
bờ sông Tiêm có những chiếc guồng nước quay tròn ngày đêm không biết mệt, đến
nhà nào vườn cũng đầy mít, những cây mít to quả chen lấn nhau như không nhìn
thấy thân cây. Về đến cổng nhà, Dì tôi chạy ra rối rít: ả Châu về! ả Châu về!
Hai chị em ôm nhau rồi cùng khóc: Nhà em thấy ả bữa ni đen sạm đi nhiều đó! Một
lúc sau thì cả xóm tập trung đến đầy nhà hỏi han đủ chuyện, người cho quả mít,
quả thơm, người cho mớ lạc … những thứ mà ở vùng “roọng su” rất hiếm. Mẹ chỉ về
thăm quê dăm ba bữa chưa hỏi hết chuyện, chưa thăm đủ bà con thì phải vào vì
ông tôi chỉ một mình. Khi trở vào ga Phú Hoà mẹ tôi gánh một gánh đầy, một đầu là
tôi và hai quả mít đầu kia cũng mít, bưởi, khoai, lạc…chạy bộ dọc đê Hói Cùng.
Về đến nhà vừa quạt vừa sai chúng tôi sang gọi các bà, các cô sang ăn quà quê.
Một nẻn (nong) mít được cắt ra vàng hươm, mật nhỏ từng giọt thơm phức, mọi
người ngồi quanh vừa ăn vừa khen vừa hỏi thăm về Ngoại, mẹ tôi trả lời quên cả
mệt.
Thời thơ ấu của
chúng tôi trôi dần theo những nỗi gian truân của mẹ. Mẹ dẫn chúng tôi đến
trường trên con đường làng mát rượi. Mẹ dẫn chúng tôi ra đồng để cảm nhận mùi
thơm của phù sa, hương lúa như mùi thơm của những giọt mồ hôi mà mẹ tôi đã đổ
xuống. Chúng tôi trưởng thành trong vòng tay che chở của mẹ, dù đã đủ lông đủ
cánh để bay xa nhưng khi gia đình có dịp sum họp, về bên mẹ chúng tôi vẫn như
lũ chim nhỏ được mẹ ôm ấp, chở che. Về bên mẹ, ở cạnh mẹ, chúng tôi quả là vẫn
còn quá thơ ngây, bé nhỏ. Mẹ thật lớn lao.
Viết Cường