Nhân ngày kỉ niệm nhà giáo Việt nam 20/11 để tri ân những công lao của các thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô đang công tác tại vùng cao. BBT xin gửi đến bạn đọc tác phẩm: "Yêu lắm những chùm hoc trên đá"của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hoa đến từ tổ 4-5, trường PTDTBT TH&THCS Ngân Thủy. Mời quý bạn đọc cùng thưởng thức.
Giữa cuộc sống xô bồ và vội vã, đâu đó vẫn còn bao thầy
cô giáo đang ngày đêm thầm lặng dâng hiến tuổi thanh xuân, vẫn ngày hai buổi lầm
lũi trên những con đường vắng để gánh chữ lên non. Những con đường dốc ngoằn
ngoèo, vượt dốc, lội suối lội bùn; những đoạn đường cống ngầm thấp luôn chào
đón những trận lũ đến vội vàng không ai hay. Nhưng các thầy cô vẫn cứ đi không
chỉ vì sự nghiệp giáo dục vùng cao, mà là vì tấm lòng nhiệt huyết “yêu nghề, cắm
bản”. Lửa nhiệt tình của họ vẫn cháy, trái tim của họ vẫn luôn rạo rực vì một
ngày mai tươi sáng. Xin được gọi những thầy cô giáo vùng cao ấy là “những
chùm hoa trên đá”.
Ngược đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, mon
theo con đường 10 huyền thoại khoảng 14 cây số, nơi ấy là địa điểm trung tâm của
trường PTDTBT TH&THCS Ngân Thủy. Trường có 39 cán bộ giáo viên và nhân
viên, gồm có hai cấp học Tiểu học và THCS. Cấp Tiểu học được chia thành 4 khu vực:
Km 14, Km 25, Rào Đá và Cửa Mẹc. Bốn khu vực này ở cách xa nhau, địa hình đi lại
khá ngoằn ngoèo. Ở mỗi khu vực ấy, hình ảnh các thầy cô giáo như những chùm hoa
tươi khoe sắc giữa núi rừng Trường Sơn đại ngàn, nên tôi mạn phép gọi họ là “những
chùm hoa trên đá”.
Nhớ lại sáu năm về trước, khi nhận được quyết
định đến công tác tại trường TH&THCS Ngân Thủy, từ một cô sinh viên bao năm
theo học nơi phố thị náo nhiệt nay lên dạy ở khu vực lẻ Km 25 chỉ có 1
lớp đơn với 2 lớp ghép, ngày ngày chỉ có 3 cô đứng lớp với 41 trò, trong tôi một
cảm giác buồn vui lẫn lộn. Năm ấy, điều kiện cơ sở vật chất của trường vẫn còn
thiếu thốn lắm, sân trường chưa được lát bê tông, cổng trường chỉ tạm bợ bằng
những thanh gỗ tạp. Giờ ra chơi lũ trẻ vui đùa chạy nhảy làm văng bụi trắng
xóa. Đó là chưa kể những ngày mưa, vài đứa trẻ ở bên kia sông không thể qua
sông qua suối đến trường, lớp học buồn thiu, cô trò buồn rũ rượi. Tại trung
tâm, chỉ có một dãy nhà hai tầng cùng với ba dãy nhà cấp 4, bếp ăn cho học sinh
vẫn còn rất tạm bợ. Đêm đêm cô thầy ở lại trực học sinh chỉ nghe tiếng côn
trùng kêu rả rích, không gian yên tĩnh và vắng lặng. Ở xã vùng cao này, đa số
phụ huynh là đồng bào Bru Vân Kiều thuộc diện hộ nghèo, trình độ dân trí còn hạn chế nên cái đói, cái nghèo cứ đeo dai dẳng. Có những
gia đình hộ nghèo đông con, nhận thức của phụ huynh còn hạn chế, một số phong tục
tập quán còn lạc hậu, quan niệm con gái không cần phải học nhiều, họ chưa thực
sự ý thức được tầm quan trọng của việc cho con đến trường nên thường cho con
nghỉ học ở nhà phụ cha mẹ lên nương lên rẫy. Những lúc như vậy, các thầy cô
giáo phải đến tận nhà các em làm công tác tư tưởng cho phụ huynh và vận động
các em trở lại trường. Dẫu những chặng đường xa, đôi khi phải vượt núi băng rừng,
nhưng các thầy cô cứ đón, cứ vận động cho đến lúc các em trở lại trường. Vất vả
là thế, khó khăn là vậy nhưng rồi tất cả cũng đã qua… “Những chùm hoa trên đá”
cứ vô tư, yêu đời theo năm tháng, vẫn ngày đêm miệt mài bám lớp bám trường ươm
những mầm xanh cho bản làng. Có được như thế là nhờ lòng nhiệt huyết yêu nghề, sự
hi sinh cao cả, tình thương yêu con trẻ và tình yêu dân mến bản.
Đến bây giờ,
trường đã được nâng cấp thành mô hình trường bán trú với tên gọi là trường
PTDTBT TH&THCS Ngân Thủy. Trường học nay đã khang trang hơn với nhiều dãy
nhà hai tầng mọc lên, phòng học có đủ ti vi, trang thiết bị phục vụ
cho việc dạy học, phòng ở nội trú với nhiều giường tầng kiên cố, thoáng mát. Bếp
ăn nội trú ngăn nắp với những món ăn ngon đầy đủ chế độ dinh dưỡng, nhà vệ sinh có bệ rửa mặt và phòng tắm
sạch sẽ. Các em học sinh lớp 3 đến lớp 9 từ các bản xa như Hang Còi, Rào Đá, Km
25, Cẩm Ly, Cửa Mẹc đã được ở lại bán trú, ăn ở học tập và sinh hoạt tại khu nội
trú của trường. Với mô hình bán trú này, vai trò của những người thầy người cô
một lần nữa được nâng lên một tầm cao mới. Thầy cô thực sự là những người cha,
người mẹ thứ hai của các em. Chăm cho các em trong từng bữa ăn, lo cho các em
trong từng giấc ngủ, hướng dẫn cụ thể cho các em trong cách sinh hoạt ăn uống,
giặt giũ và xếp áo quần chăn màn gọn gàng. Dạy cho các em từ những kĩ năng sống
nhỏ nhặt nhất như đánh răng, rửa mặt, rửa chén bát, kĩ năng phơi quần áo, đại
tiện và tiểu tiện đúng chỗ, đổ rác đúng nơi quy định, dạy cho các em biết nói lời
hay và làm việc tốt, dạy cách cư xử lễ phép với mọi người, dạy cách nói lời xin lỗi
và cảm ơn.
Theo guồng quay của bánh xe thời gian, đâu
đó đã có những cô giáo trẻ vùng cao mải mê đến lớp, cắm trường cắm bản để tuổi
thanh xuân trôi qua trong vội vàng và tiếc nhớ. Những chấp nhận hi sinh và thiệt
thòi để “cõng chữ lên non” và từ những điểm trường xa xôi ấy, đã có
bao cuộc đời được đổi thay. Trình độ dân trí của bà con ngày càng được nâng
cao, kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện, bản làng quê hương ngày càng
được no ấm. Hạnh phúc của các thầy cô chính là được chiêm ngưỡng những thành quả
như thế.
Những
ngày đông tháng 11 đang đến gần, là mỗi dịp các thầy cô giáo lắng đọng những cảm
xúc. Ngày Nhà giáo Việt Nam đến với các thầy cô giáo vùng cao rất dung dị, mộc
mạc nhưng rất đỗi ấm áp, chân thành. Món quà tri ân của các em chỉ đơn giản là
đóa hoa rừng, hay vài chiếc bắp ngô, củ sắn, mớ măng, là những dòng thư tay viết
vội… nhưng chứa đựng bao tình thương mến dạt dào. Ngày lễ 20/11 ở vùng cao thật
đặc biệt, không rực rỡ rộn ràng như vùng xuôi, nhưng sâu lắng và dạt dào bao cảm
xúc. Chúc các đồng nghiệp của tôi - “những chùm hoa trên đá” sẽ luôn chân cứng
đá mềm, giữ vững niềm tin và nhiệt huyết để tiếp tục cống hiến cho giáo dục xã
nhà. Tin chắc rằng, toàn xã hội đã, đang và sẽ luôn hướng về các đồng chí với
niềm kính trọng sâu sắc nhất.
Nguyễn Thị Hồng Hoa
GV tổ 4 + 5 -
Trường PTDTBT TH&THCS Ngân Thủy