Mười tám năm làm trò, giờ đây tôi đã chính thức được gọi với cái tên thân thương là “Cô giáo”. Thời gian cứ âm thầm trôi đi và lặng lẽ, thấm thoắt đã gần hai tháng trôi qua. Tuy không dài nhưng cũng đủ làm cho tôi cảm nhận được tất cả điều tốt đẹp từ mái trường PTDTBT TH&THCS Ngân Thủy.
Là một cô giáo vùng cao nên những lo lắng, suy nghĩ luôn xuất hiện trong khối óc nhỏ bé: Lo sợ vì bản thân vừa mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, rồi làm sao để có thể hòa nhập cùng học, cùng sinh hoạt với các em,... và sợ cả khi không có bạn bè, thầy cô ở bên, có những lúc tôi đã định lùi bước. Những nghĩ về tương lai phía trước, nghĩ về những người đang trông mong và tin tưởng, tôi đã quyết định tiến bước, hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn, làm tay cầm vững chắc chèo lái con đò cập bến an toàn.
Nhớ những ngày ấy, những ngày đầu tháng 9, tiết trời ấm áp, khi trên con đường đến trường mới lạ còn cảm thấy có một chút mặc cảm, tự ti về bản thân, run sợ trước thách thức mới đang chờ đón thì khi đặt chân đến trường những cảm giác ấy hoàn toàn tan biến. Cảm giác đầu tiên khi đặt chân vào cánh cổng là một cái gì đó gần gũi, thân quen.
Những ngày đầu bước vào nghề thật đặc biệt. Tất cả mọi thứ với tôi đều như mới. Nhớ lại khoảng thời gian cùng anh chị đồng nghiệp xây dựng chương trình ứng phó với Covid, suy nghĩ, tìm cách để các em không đến trường nhưng không ngừng học dường như chúng tôi quên cả ăn, có bữa chỉ là vài cái bánh quy, gói mì tôm, quên cả những giấc ngủ trưa. Mệt thế đấy nhưng vui vì được đồng hành cùng nhau, được ngồi cạnh nhau thảo luận, chia sẻ cũng chính nhờ vậy mà tôi học được nhiều thứ ở đây.
Bởi đại địch Covid “ gõ cửa” nên tôi càng thương các em hơn. Không giống như các em học sinh ở vùng đồng bằng, dường như ở đây các em không đủ điều kiện để tham gia học online nên trường đã chọn phương án giao bài tận nhà cho học sinh. Tôi được phân công giao bài tại bản Cửa Mẹc, lúc đầu còn lạ lẫm nhưng rồi cũng dần quen. Tới nhà các em thì thương lắm, toàn nhà bức vách bằng tre, trong nhà thì đơn sơ, các em nhỏ không đủ ăn, bữa cơm chỉ vỏn vẹn 1 xoong cơm, bắt canh, dĩa măng. Lần đó, tôi đến nhà em Vĩ lớp 4A giao bài, nghe bố em chia sẻ mà lòng tôi như quặn lại: “ Cô ơi, rồi khi nào con tôi mới được đến trường kiếm cái chữ, tôi thì bận đi làm, không có thời gian bày vẹ. Chỉ mong được đến trường sớm nhờ các cô”. Đây cũng là nỗi băn khoăn, lo lắng của chúng tôi sợ các em ở nhà lâu không muốn đến trường cộng với hoàn cảnh khó khăn mãi nương rẫy nhưng rồi mừng nhiều hơn vì nhận thức của phụ huynh đã thay đổi, biết được tầm quan trọng của con chữ.
Sau 5 tuần đồng hành cùng các em tại bản Cửa Mẹc thì cô trò chúng tôi cũng được quay trở lại trường học. Tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 5B, các em 100% là người dân tộc Vân Kiều. Khi nhận quyết định vừa mừng vừa lo. Cũng chính lúc này, tôi mới được tiếp cận học sinh lớp mình chủ nhiệm. Ngày đầu gặp các em tôi không nghĩ các em đã là học sinh lớp 5, bạn nào cũng nhỏ nhắn, nhìn đáng thương lắm.
Ở đây các em học bán trú, chỉ cuối tuần mới về nhà. Nhà bạn nào cũng cách trường hơn chục cây số, phần lớn gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà đông con nhưng niềm nhiệt huyết vượt qua hoàn cảnh để kiếm con chữ chưa bao giờ tắt. Chỉ mới cùng học, cùng ăn, cùng ở với các em vỏn vẹn 4 tuần nhưng tôi cảm nhận được tình cảm thân thương ấy trong ánh mắt, hành động của tụi nhỏ. Tụi nó hồn nhiên lắm.
Niềm vui chưa bao lâu thì nỗi lo lắng lại đến bởi lớp tôi có một em học sinh vì hoàn cảnh nên hay bỏ học, sau hôm đó tôi đã nhanh chóng đến nhà để vận động em đến trường. Ngày gặp tôi em đã khóc, dường như nước mắt tôi cũng chảy theo em. Bằng tình yêu thương, sự kiên trì cùng sự giúp đỡ của anh bạn đồng nghiệp và gia đình, em đã quay lại lớp học. Có lẽ quãng đường trèo qua những quả đồi, những con suối khá dài mới có thể tới được nhà em nhưng điều đó chẳng thấm vào đâu so với một tương lai đang chờ em phía trước.
Hành trình "gánh chữ" lên non dẫu còn đó nhiều khó khăn, vất vả, nhưng nhờ tình cảm mộc mạc, chân thành của những em bé học trò nghèo đã khiến cô cùng rất nhiều giáo viên đang công tác ở vùng sâu vùng xa thêm niềm tin, nghị lực để tiếp tục cống hiến.
“ Chuyện một con đò dãi dầm nắng mưa
Lặng lẽ chở bao dòng người xuôi ngược
Khách sang sông tiếp hành trình phía trước
Có ai nhớ chăng hình ảnh con đò...?”
Mỗi ngày trôi qua lại có thêm một niềm vui mới. Những con đò ấy cứ âm thầm lặng lẽ suốt ngày đêm bỏ lại sau lưng bao nỗi nhọc nhằn, bước qua mọi khó khăn phía trước với ý chí kiên cường lái con đò tri thức cập bến được bình an. Trong ngày này, được nhận đầy đủ những nụ cười, được đón những cánh tay xinh, hàm chứa lòng biết ơn sâu sắc của các em học sinh, mỗi giáo viên chúng tôi như được tiếp thêm sức sống, lòng nhiệt huyết để yêu trường yêu lớp nhiều hơn.
Cũng chỉ vài ngày nữa thôi là một mùa hiến chương lại đến. Ngày này giáo viên vùng cao chỉ mong ước học sinh nhớ được ngày 20 tháng 11 là ngày gì đã mừng rồi. Nếu được học sinh hay phụ huynh tặng được món quà dù chỉ mang giá trị tinh thần cũng mừng rớt nước mắt. Nếu cho tôi một điều ước trong ngày trọng đại này, tôi chỉ ước từ giờ trở đi các em sẽ không phải dừng việc học.
Tôi yêu những ánh mắt biết nói của học trò, tôi quý vẻ bỡ ngỡ mà đầy tò mò ham hiểu biết, ưa khám phá thế giới của những con số, bài thơ, nốt nhạc của các em. Tôi muốn thấy cái vươn vai trong hành trình hoàn thiện nhân cách của các em, tôi muốn được là một nấc thang trong bước đường đi tới vinh quang của các em. Vì thế tôi đã có mặt ở đây dưới mái trường đầy thân thiện này. Tôi đón chào ngày Nhà giáo Việt Nam với nhiều cảm xúc đan xen. Thế nhưng ngày đầu đứng trên bục giảng, tôi đã thật sự biết rằng, dạy học chính là lẽ sống, là tâm huyết của đời tôi. Tôi yêu biết bao những ánh mắt trong sáng, ngây thơ, những câu nói hồn nhiên, non trẻ. Qua hình ảnh của các em, tôi như được sống lại thời thơ ấu. Nhưng quan trọng hơn là tôi nhận ra được những giá trị của cuộc sống. Thật hạnh phúc khi được làm một người đưa đò cần mẫn chở khách sang sông. Vì vậy, tôi và thế hệ giáo viên trẻ sẽ cố gắng tiếp tục nhiệm vụ ươm mầm cho sự nghiệp "trồng người" tại mái trường Ngân Thủy xứng đáng là một NGƯỜI TRUYỀN LỬA.
Lời cuối cùng cho tôi gửi đôi lời tới người mẹ của mình. Con đến với nghề dạy học cũng chính nhờ mẹ. Con nhớ mãi câu nói ấy: “Ước mơ của mẹ sẽ gửi nhờ vào con và mẹ tin con sẽ làm tốt”. Cảm ơn mẹ đã đưa con đi đúng hướng để giờ đây con mới nhận ra rằng con yêu nghề, yêu tụi nhỏ biết nhường nào.
Cô giáo: Nguyễn Thị Ngọc Huyền
(GV tổ 4 - 5)