Chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng nuôi dưỡng những ước mơ. Với tôi, ước mơ được làm cô giáo giữa núi rừng Trường Sơn đại ngàn đã trở thành sự thật. Vâng! Ngôi trường Ngân Thủy có biết bao kỉ niệm gắn bó với tôi trong 4 năm học qua. Nhưng giữa đại ngàn ấy, tôi vẫn đẹp mãi kỉ niệm về một cô học trò nhỏ.
Năm học 2016 - 2017, tôi được phân công giảng dạy và
chủ nhiệm lớp 4A. Ngày đầu tiên gặp lớp, trước mắt tôi là 20 gương mặt hồn
nhiên, ngây thơ. Tôi mở sổ chủ nhiệm năm trước để nắm bắt lực học của từng em.
Nhận lớp được một tuần, tôi đã có ấn tượng về một cô bé khá xinh xắn với ánh
mắt đượm buồn, đó là em Hồ Thị Thúy Dự. Kết quả của năm học trước, Dự hoàn
thành tốt. Nhưng qua theo dõi, tôi thấy em hay tự ti, ít giơ tay phát biểu bài,
ít trò chuyện với bạn bè và thường xuyên đi học muộn.

Trong tiết sinh
hoạt lớp, tôi đã lồng ghép chủ đề Ước mơ của em. Khi tôi hỏi “Ước mơ của em là
gì?”. Cả lớp ai cũng nhanh nhảu trả lời:
- Thưa cô, em ước trở thành bác sĩ! Em ước trở thành
cô giáo ạ! Rồi có em ước mơ trở thành chú giữ rừng…
Đến lượt Dự, em ngập ngừng hồi lâu rồi khẽ nói:
- Dạ thưa cô, em… em muốn có một gia đình hạnh phúc!
Dự vừa dứt
lời thì các bạn trong lớp cười ồ lên. Em bỗng òa khóc nức nở rồi vụt chạy ra
ngoài, tôi gọi theo nhưng em không quay lại. Tan học tôi trở về nhà với lòng ngổn
ngang không biết bao nhiêu câu hỏi vì sao?
Hôm sau, tôi
quyết định vượt bộ qua con đường gập ghềnh tìm đến nhà em. Trên lối mòn nhỏ,
tôi nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng một em bé nhỏ nhắn gánh trên vai hai thùng
nước trĩu nặng. Tôi đến gần, thì ra đó chính là Dự, tôi đã thấy chạnh lòng.
Theo chân em thêm
vài bước, trước mắt tôi hiện ra một căn nhà đơn sơ, xiêu vẹo được lợp bằng lá
cọ. Bố mẹ Dự đã vắng nhà, đón tiếp tôi là một bà cụ khoảng chừng tám mươi tuổi,
nét mặt khắc khổ. Trò chuyện với bà, tôi được biết bà chính là bà nội của Dự.
Rồi bà kể: Trước đây, Dự từng có một gia đình êm ấm. Bố đi làm ăn xa, mẹ ở nhà
chăm sóc bà nội đã già yếu và 3 con nhỏ, 5 bà cháu rau cháo nuôi nhau. Rồi một
ngày bỗng dưng tai họa ập đến nhà em: Mẹ em bị bệnh TÂM THẦN, không còn nhận ra
được những người xung quanh mình là ai, kể cả 3 đứa con mà người mẹ ấy đã đứt
ruột sinh ra. Nhận được tin dữ, bố em đã trở về. Nhìn cảnh người vợ bao năm gắn
bó nay bỗng chốc không còn nhận ra chồng con, trái tim anh như vỡ tan từng
mảnh, anh đau đớn, bất lực đứng nhìn vợ chua xót. Mẹ Dự mắc bệnh được một thời
gian thì bà ngoại phải đưa mẹ về nuôi dưỡng, chăm sóc. Bởi một mình bố Dự không
thể chăm sóc 3 con nhỏ, bà nội tuổi đã cao và một người vợ mắc bệnh tâm thần suốt
ngày đập phá, kêu la.
Thời gian
trôi qua, bố Dự đã lấy vợ khác rồi sinh thêm 2 em nhỏ, cuộc sống lại càng vất
vả hơn.Từ đó bố Dự bỗng thay đổi hẳn, anh thường xuyên uống rượu, bỏ nhà đi 1, 2
ngày mới về. Hằng ngày, sau buổi tan học
về, Dự thường phải giúp dì nấu cơm, gánh nước, lấy củi… Có hôm, vì uống quá say
không đủ tỉnh táo bố lại đánh đập Dự, bắt Dự nghỉ học ở nhà trông em cho dì đi
làm. Hoặc đi lấy măng rừng về ăn. Kể đến đây hai dòng nước mắt của bà chảy dài trên
đôi gò má nhăn nheo, gầy guộc. Đưa vạt áo lên, lau đôi dòng nước mắt, bà nói
tiếp:
- Cực lử cô ơ! Pả ắn ngày lẻ là ngoải blăng, chù đằn
con lcuôi, katau con, cập tà bưn dồn con pớ học. Cực quá cô ơi! Ba hắn ngày mô cũng đi uống rượu, về quát mắng, đánh
đập, không cho con đi học. Tui khuyên hắn mãi rồi mà hắn không chịu nghe. Tui
không biết mần răng cả. Cô giúp cháu tui với!
Nghe bà kể,
tôi càng thương em nhiều hơn, sao em phải chịu cay đắng khổ cực này?

Tôi trở về
trường với nỗi lòng nặng trĩu. Ngay sau đó tôi đã gặp Ban giám hiệu và các lực
lượng giáo dục trên địa bàn xã để trình bày về hoàn cảnh của em. Mấy hôm sau,
chúng tôi đến thăm nhà em. Qua buổi trò chuyện, bố em đã hiểu ra. Bố và dì em
hứa sẽ tạo điều kiện cho em đến trường, không cho em làm những việc quá sức. Bố
hứa sẽ bỏ rượu, lo đi làm nuôi các con ăn học. Từ đó, em học tập ngày càng tiến
bộ, ánh mắt em đã vui hẳn lên. Trong ngày hội học sinh Tiểu học vừa qua, em đã
dành được giải Trạng nguyên nhỏ tuổi và giải nhất hội thi viết chữ đẹp.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, đầu tháng
3 trường đón đoàn thiện nguyện Lệ Thủy quê tôi, tôi đã trực tiếp trình bày về
hoàn cảnh, thành tích học tập của em. Và rồi, đoàn đã nhận bảo trợ cho đến khi
em học xong THCS. Em ôm chầm lấy tôi, nghẹn ngào: “Em cảm ơn cô, em sẽ cố gắng
để không phụ công lao dạy dỗ của thầy cô”.
Lúc em lên nhận phần thưởng, tôi thấy
bố em rưng rưng xúc động. Lát sau, anh cầm tay con gái đến gặp tôi và Ban giám
hiệu bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc. Tối hôm đó, hình ảnh, ánh mắt của cô bé cứ hiện
lên trong tâm trí tôi.

Ở vùng cao dạy chữ đã khó, làm công tác chủ nhiệm lớp lại càng vất vả, khó khăn hơn. Lo
lắng nhiều và hạnh phúc trở về cũng lắm. Vâng! Tôi thật thấm thía làm công tác
chủ nhiệm, nếu người giáo viên vừa có đủ tâm, vừa có đủ tình thì có thể giúp các em
thay đổi được cuộc sống và thực hiện được ước mơ của mình.
Cô giáo: Nguyễn Thị Hồng Hoa