Nói về triều Lý, dân gian ta có câu: “Tộ truyền bát diệp, diệp lạc âm sinh” nghĩa là truyền được 8 lá, lá rụng xuống rồi âm khí sinh ra, ý nói nhà Lý truyền được 8 đời rồi mất ngôi vì có vua phụ nữ - nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng.

Hôm
nay, trong buổi chào cờ đầu tuần, nhằm giúp các em hiểu thêm về Lý Chiêu Hoàng
- vị vua nữ duy nhất trong lịch sử Việt Nam, Thư viện trường PTDTBT TH&THCS
Ngân Thuỷ xin giới thiệu với các thầy cô giáo và các em cuốn truyện tranh lịch
sử “Lý Chiêu Hoàng” rất hấp dẫn được nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, với
khuôn khổ nhỏ xinh 14,5 x 20,5 cm. Cuốn sách 31 trang với hình ảnh sống động,
màu sắc hấp dẫn, rất phù hợp với lứa tuổi các em.
Nhắc đến Lý Chiêu
Hoàng, chúng ta nghĩ ngay tới vị nữ hoàng đầu tiên và cũng là duy nhất trong
lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Triều Lý khởi nghiệp từ Lý Thái Tổ
và truyền tới Lý Chiêu Hoàng, trải qua 216 năm tồn tại với 9 đời vua nối nhau
trị vì, mặc dù có những thăng trầm, biến cố nhưng triều Lý vẫn là triều đại lớn
và được sử sách đánh giá cao vì những đóng góp tích cực cho sự phát triển của
đất nước trên mọi phương diện văn hóa, tôn giáo, pháp luật, kinh tế, chính trị.
Lý Chiêu Hoàng tên
thật là Lý Phật Kim, còn có tên khác là Lý Thiên Hinh, (1218-1278), là con gái
thứ hai của vua Lý Huệ Tông, mẹ là Thuận Trinh thái hậu Trần Thị Dung; sau khi
ra đời bà được phong là Chiêu Thánh công chúa. Cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng là một chuỗi những bi kịch
lịch sử đau đớn.
Nhà Lý từ đời vua
Lý Cao Tông (1175-1210) đã bắt đầu đi xuống, giặc cướp nổi lên khắp nơi; đến
đời Lý Huệ Tông tình hình càng trầm trọng hơn, loạn lạc không dứt khiến vua
phải nhiều phen bôn tẩu, quan lại chia bè kết cánh, các phe phái cát cứ đánh
giết lẫn nhau. Để
bình ổn xã hội, Lý Huệ Tông phải dựa vào thế lực của họ Trần và từ đó dòng họ
này tìm cách tạo dựng vây cánh, thâu tóm quyền bính, khống chế triều đình. Tháng
10 năm Giáp Thân (1224) phe cánh họ Trần đứng đầu là Trần Thủ Độ lấy cớ vua mắc
bệnh điên, ép Lý Huệ Tông phải nhường ngôi cho con gái, rồi đi tu ở chùa Chân
Giáo nằm trong đại nội thành Thăng Long. Vậy là khúc quanh của lịch sử đã đưa
đẩy Lý Phật Kim, một cô bé 7 tuổi bước lên sân khấu chính trị, mở đầu cho tấn
bi kịch của đời mình. Được lập làm thái tử và ngay sau đó được truyền ngôi, trở
thành nữ hoàng đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử Việt Nam với hiệu là
Chiêu Hoàng, đặt niên hiệu là Thiên chương hữu đạo. Ở ngôi báu vào lúc ấu thơ, Chiêu Hoàng tất nhiên chưa
có khả năng chấp chính, vua cha thì trở thành Huệ Quang đại sư, mẹ thì đang lo
nghĩ cho quyền lợi của dòng họ, chị gái thì đã hạ giá lấy chồng. Hết chỗ dựa ở
cha, không nương nhờ được ở mẹ, Lý Chiêu Hoàng trở nên lạc lõng giữa triều đình
tiếng là của mình mà sự thực đã nằm trong tay họ Trần. Nhằm đẩy mạnh kế hoạch "đảo chính cung
đình", Trần Thủ Độ đưa cháu là Trần Cảnh mới 8 tuổi vào cung làm người hầu
cận cho Lý Chiêu Hoàng; mặt khác "tự đem gia thuộc thân thích vào ở trong
cung cấm, đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan đến chầu
không được vào" (Đại Việt sử ký toàn thư). Sau khi kiểm soát được hoàng cung, Trần Thủ Độ cho loan báo rằng nữ
hoàng đã có chồng, đó chính là Trần Cảnh. Thế là chuyện chơi bời, đùa nghịch
của con trẻ trở thành chuyện tình duyên và bị lợi dụng trong việc "mưu bá
đồ vương" nơi cung cấm. Vở kịch
chuyển giao ngôi vị từ họ Lý sang họ Trần hạ màn vào ngày 11 tháng Chạp năm Ất
Dậu (1225), tại điện Thiên An, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu "nhường ngôi cho
chồng", trong đó có đoạn viết: “… Trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu,
không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, giữ thế nào nổi ngôi báu nặng
nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người
hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản, đến thế là cùng
cực rồi, ... Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy chỉ có Trần Cảnh là người
văn chất đủ vẻ, thực thể cách hiền nhân quân tử, uy nghi đường hoàng, có đủ tư
chất thánh thần văn võ, ... Sớm hôm nghĩ chín từ lâu, nghiệm xem nên nhường
ngôi báu để thuận lòng trời, cho xứng lòng trẫm, ...”.
Sau khi nhượng
vị, Chiêu Hoàng trở thành Chiêu Thánh hoàng hậu của Trần Thái Tông cho đến khi
bị phế truất vào năm 1237 (lúc đó Chiêu Hoàng 19 tuổi), vì bấy giờ bà không
sinh được con nối dõi. Năm 1258, ở tuổi 40, bà tái giá lấy Lê Phụ Trần, một
viên tướng có công cứu giúp vua Thái Tông. Bà tận tình chỉ dạy nhân dân từ việc
cấy trồng, nông trang đến những lễ nghi hiếu, hỉ, … Vì thế, bà được nhân dân
phụng thờ và hằng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ.
Với
những hình ảnh sống động, phản ánh tương đối chân thực lịch sử và sát với
chương trình, nội dung SGK Lịch sử hiện hành, cuốn truyện tranh lịch sử đưa các
em đến câu chuyện về Lý Chiêu Hoàng, về thời kỳ lịch sử thời nhà Lý - Trần.
Ngoài việc giải trí, cuốn truyện tranh lịch sử còn giúp các em học sinh có thêm
nhiều hình ảnh trực quan, gây hứng thú trong việc học môn Lịch sử ở nhà trường.
Cuốn sách là một câu chuyện giàu tính văn
học, mang hơi hướng dân gian nhẹ nhàng và gần gũi. Lời thoại trong truyện cũng
rất đơn giản, không đặt nặng về tư liệu nhưng vẫn luôn tôn trọng tính xác thực
của lịch sử, góp phần bồi đắp tình yêu của các em học sinh với lịch sử, với dân
tộc.
Quý thầy
cô giáo và các em học sinh thân mến!
Cuốn sách “Lý Chiêu
Hoàng” là tài liệu hữu ích cho các em đam mê môn Lịch sử. Cuốn sách
giúp chúng ta hiểu hơn về tấn bi kịch của một người phụ nữ nhỏ bé bị cuốn vào vòng xoáy của quyền lực trong lịch
sử Việt Nam. Cuốn sách
hiện có trong tủ sách Kim Đồng của thư viện nhà trường với số ĐKCB từ 4410-4412. Ngoài cuốn sách
“Lý Chiêu Hoàng” thì Thư viện còn rất nhiều cuốn sách viết về nhân vật lịch sử
nổi tiếng khác của Việt Nam, mời quý thầy cô và các em học sinh hãy đến thư
viện tìm đọc nhé!
Hẹn
gặp lại các thầy cô giáo và các em trong buổi giới thiệu sách lần sau!
Ngân Thủy, ngày 25 tháng 03 năm 2024
Người
giới thiệu
Trần Thị Thái