Kính thưa các thầy giáo cô giáo!
Cô chào các em!
Bắc Ninh - Kinh Bắc, vùng đất địa linh nhân kiệt - nơi giang sơn tụ khí đã sản sinh ra nhiều bậc hào kiệt xuất chúng của nước Việt. Cùng với những bậc anh hào, đất Kinh Bắc cũng là quê hương của nhiều bậc nữ nhi mà những đóng góp của họ đã được sử sách và người đời ghi nhận, góp phần tạo nên truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam.
Một trong những bậc nữ nhi ấy phải
kể đến cô thôn nữ hái dâu miền Kinh Bắc - Nguyên Phi Ỷ Lan. Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 114
năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/03/1910 - 08/03/2024), nhằm giúp các em hiểu thêm
về Nguyên phi Ỷ Lan, Thư viện trường PTDTBT TH&THCS Ngân Thuỷ xin giới thiệu
với các thầy cô giáo và các em cuốn truyện tranh lịch sử “Ỷ Lan” rất hấp dẫn
của nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, với khuôn khổ nhỏ xinh 14,5 x 20,5 cm.
Cuốn sách 31 trang với hình ảnh sống động, màu sắc hấp dẫn, rất phù hợp với lứa
tuổi các em.
Quý thầy cô giáo và
các em học sinh thân mến!
Cuốn sách “Ỷ Lan” sẽ đưa chúng ta tìm hiểu về cuộc đời của
Nguyên phi Ỷ Lan, từ một cô thôn nữ đến khi được trao quyền nhiếp chính và đóng
góp của bà trong việc ổn định chính sự, giúp cho trong nước yên ổn, lòng dân
vui vẻ, được nhân dân quý trọng, tôn vinh.
Ỷ Lan là vợ vua Lý
Thánh Tông trong lịch sử Việt Nam. Vua Lý Thánh Tông
tuổi đã gần tứ tuần mà chưa có con trai nối ngôi. Mùa xuân năm ấy, nhà vua ngự
giá đến cầu tự ở chùa Dâu, dọc đường trai gái già trẻ các làng đều nô nức ra
rước vua, duy chỉ có người con gái hái dâu chẳng hề bận tâm đến cảnh vui mừng
đó. Nàng vừa làm vừa ca hát dưới gốc cây lan. Vua đi qua nghe tiếng hát ngọt
ngào, trong trẻo, lại thấy cô thôn nữ dung mạo đoan trang, đối đáp lưu loát,
vua xao xuyến cảm mến đưa về cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Vài năm sau Ỷ Lan
sinh hoàng tử Lý Càn Đức, được vua phong làm Thần Phi, sau lại phong là Nguyên
Phi, đứng đầu các phi tần, chỉ sau Thượng Dương Hoàng hậu.
Khác với các cung phi, Ỷ Lan không
để tâm đến việc trau chuốt nhan sắc, không mang đàn ca lấy lòng vua mà chuyên
tâm học hỏi, đọc sách, nghiền ngẫm thi thư, lễ nghĩa để giúp vua việc nước. Chỉ
trong thời gian ngắn, triều thần đều kinh ngạc, khâm phục trước sự hiểu biết
uyên thâm nhiều mặt của bà. Với trí thông minh, suy nghĩ sắc sảo, thấu tình đạt
lý, Ỷ Lan trở thành phụ tá đắc lực và được vua sùng ái, tin yêu hết mực. Bởi
thế, năm 1069, khi vua Lý Thánh Tông cầm quân đi đánh giặc đã trao quyền nhiếp
chính cho Ỷ Lan. Ở lần nhiếp chính này, Đại Việt bị lụt lớn, mùa màng thất bát,
nhiều nơi sinh loạn, nhưng nhờ có kế sách trị nước đúng đắn, quyết đoán, táo
bạo của Nguyên Phi mà loạn lạc được dẹp yên, dân đói được cứu sống, đất nước
vượt qua muôn trùng khó khăn, giữ cảnh thái bình thịnh trị. Lần nhiếp chính thứ
hai của Ỷ Lan là khi Vua Lý Thánh Tông đột ngột qua đời (1072), thái tử Lý Càn
Đức chỉ mới 7 tuổi lên nối ngôi, lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Giai đoạn này,
quân Tống phát đại binh sang xâm lược Đại Việt. Quốc gia lâm nguy, Thái hậu Ỷ
Lan vừa dạy dỗ con thơ vừa cùng các triều thần nhà Lý lo việc nước. Bà cùng
Thái sư Lý Đạo Thành huy động sức người sức của, vận chuyển binh lương ra tiền
tuyến cho Lý Thường Kiệt đánh thắng giặc, lập lên chiến công hiển hách. Nhờ
vậy, giang sơn xã tắc Đại Việt được giữ vững và tiếp tục mở mang phát triển,
tạo nên một thời kỳ cường thịnh rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến nước nhà
mà có người còn gọi đó là thời kỳ Ỷ Lan.
Với những hình ảnh sống động, phản ánh tương
đối chân thực lịch sử và sát với chương trình, nội dung SGK Lịch sử hiện hành,
cuốn truyện tranh lịch sử đưa các em đến câu chuyện về Ỷ Lan, về thời kỳ lịch
sử thời nhà Lý. Ngoài việc giải trí, cuốn truyện tranh lịch sử còn giúp các em
học sinh có thêm nhiều hình ảnh trực quan, gây hứng thú trong việc học môn Lịch
sử ở nhà trường.
Cuốn sách “Ỷ
Lan” là tài liệu hữu ích cho các em đam mê môn Lịch sử. Cuốn sách giúp chúng
ta hiểu hơn về một người phụ nữ
tuy nhỏ bé nhưng sự cống hiến cũng như tầm ảnh hưởng phi thường của bà trong lịch sử Việt Nam. Cuốn sách hiện có trong tủ sách Kim Đồng của thư viện
nhà trường với số ĐKCB từ 4434-4436. Ngoài cuốn “Ỷ Lan” thì Thư viện còn rất nhiều cuốn sách viết
về những vị phi - hậu nổi tiếng khác của Việt Nam, mời quý thầy cô và các em
học sinh hãy đến thư viện tìm đọc nhé!
Hẹn
gặp lại các thầy cô giáo và các em trong buổi giới thiệu sách lần sau!
Ngân Thủy, ngày 04 tháng 03 năm 2024
Người
giới thiệu
Trần Thị Thái