THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 34
Số lượt truy cập: 4982430
QUANG CÁO
VÕ NGUYÊN GIÁP - VỊ TƯỚNG HUYỀN THOẠI 7/29/2021 11:43:47 AM
Quảng Bình là một trong 6 tỉnh nằm ở vùng Bắc Trung với diện tích tự nhiên là 8.065 Km2 với một vị trí chiến lược có tầm quan trọng về nhiều mặt. Quảng Bình là vùng đất nằm trải dài từ 18005' xuống 16055' vĩ Bắc và từ 105037' đến 107000' kinh Đông. Phía Bắc giáp Hà Tĩnh, phía Nam giáp Quảng Trị, phía Tây giáp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với đường biên giới là 201,87km, phía Đông là bờ biển dài hơn 116km. Trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, Quảng Bình luôn có vị trí quan trọng. Mảnh đất, con người Quảng Bình được Tổ quốc, dân tộc giao cho sứ mệnh lịch sử thiêng liêng đứng mũi chịu sào, đầu sóng ngọn gió trong các cuộc đấu tranh xã hội và chiến đấu chống ngoại xâm.

      “ Ra Bắc vào nam có nơi đâu ta yêu ta quí

         Nơi đây quê mẹ yêu thương,

        Chắt chiu năm nắng mười sương

        Cho quê ta đẹp mãi câu hò

        Quảng Bình ơi, nước Kiến Giang không bao giờ cạn

        Sóng vẫn reo Nhật Lệ, Bảo Ninh vang câu hò Mẹ Suốt”

                                                                  ( Quảng Bình trong câu hát- Xuân Đông)

      1.png

Lược đồ Quảng Bình 

Là đoạn cuối của dãy Trường Sơn trùng điệp, Quảng Bình nổi tiếng về những tấm lòng quả cảm, về sự hy sinh mất mát của vùng đất tuyến đầu tổ quốc trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Chính những điều đó đã giúp con người Quảng Bình  anh dũng, bất khuất với ý chí quyết thắng của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng, của sức mạnh tinh thần và trí tuệ Việt Nam. Hàng vạn thanh niên xung phong, cán bộ bộ đội, dân công hỏa tuyến, nhân dân Quảng Bình trở thành một “lực lượng gang thép”, một tập thể anh hùng hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Bác Hồ, Tổ quốc giao phó; góp phần tích cực cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược, một nhân tố quyết định để đưa sức mạnh cả nước vào cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi nhắc đến quảng Bình là chúng ta nhắc đến những hang động được xếp vào di sản thiên nhiên của thế giới chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử của sự phát triển loài người, của những điều mà ít người biết đến. Ấy là câu chuyện của di chỉ văn hóa Bàu Tró, ấy là câu chuyện về vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ẩn chứa rất nhiều điều thú vị về văn hóa của các cộng đồng thiểu số. Còn nhắc đến bờ biển Nhật Lệ , còn có làn điệu hò khoan trên dòng Kiến Giang của huyện Lệ Thủy.

         “Anh đưa em về thăm quê anh xứ Lệ

Nơi ngọt ngào con sông thời thơ trẻ”

 

2.png

Một góc sông Kiến Giang

        Lệ Thủy là một huyện ở phía Nam của tỉnh Quảng Bình được mọi người biết đến là một địa phương giàu truyền thống cách mạng, Phía nam giáp huyện Vĩnh Linh (thuộc tỉnh Quảng Trị), phía bắc giáp huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), phía tây giáp tỉnh Khăm muộn của Lào, phía đông giáp Biển Đông.

        Lệ Thủy, một miền đất không được sự ưu ái của thiên nhiên, một miền đất của gió Lào và cát trắng.  Trải qua biết bao khó khăn trong lịch sử giữ nước, thời kỳ nào mảnh đất Lệ Thủy cũng có những con người cần cù trong lao động, anh hùng trong chiến đấu. Và khi nhắc đến những người con anh hùng ấy, chúng ta không thể không nhắc đến một người con của quê hương An Xá- Lệ thủy, một người thầy giáo mẫu mực, một nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc, một vị tướng tài ba đó chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Vị Đại tướng đầu tiên của dân tộc, vị tướng huyền thoại.

    “Tỏa sáng thế giới

     Nhân nghĩa toàn tài

     Ghi dấu ngàn đời

     Tướng tài Việt Nam

      Đó là hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài hát cùng tên của nhạc sĩ Quang Vinh, Hữu Ý. Khắp trong và ngoài nước đều biết Võ Nguyên Giáp là Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, Người Anh Cả của đội quân từ nhân dân mà ra và bách chiến bách thắng, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới đánh bại hai thế lực thực dân, đế quốc mạnh nhất của thế kỷ 20 là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Võ Nguyên Giáp là tướng duy nhất được phong một lần quân hàm Đại tướng. Có nhiều vị tướng của cả ta và đối phương đánh giá Tướng Giáp xứng đáng là Đại Nguyên soái. Ấy vậy mà vẻ bề ngoài của người chỉ huy thiên tài đó, con người đặc biệt đã đi vào huyền thoại lại vô cùng bình dị, hiền từ, dễ gần và ấm áp với mọi người, chất mộc mạc Lệ Thủy- Quảng Bình nắng gió chịu khó chịu thương, quê hương của Đại tướng kính yêu.    

      Võ Nguyên Giáp còn được gọi là tướng Giáp hoặc anh Văn sinh ngày 25/08/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho, con của ông Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân), một nhà nho đức độ và mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên. Gia đình Võ Nguyên Giáp có 7 anh chị

em, nhưng người anh cả và chị cả mất sớm nên còn lại năm, 3 người con gái và 2 người con trai là Võ Nguyên Giáp và Võ Thuần Nho, sau này là Thứ trưởng Bộ Giáo dục.

3.png

Căn nhà đại tướng ở An Xá- Lệ Thủy

     Từ lúc còn nhỏ Võ Nguyên Giáp tỏ ra là một cậu học trò thông minh, mẫu mực. Hai năm học ở Đồng Hới hàng tháng cậu luôn đứng đầu lớp, sau khi đậu vào Quốc học Huế ông luôn là người đứng thứ nhất. Mùa hè năm 1928, Võ Nguyên giáp bước vào đời của một chiến sĩ cách mạng. Ông tham gia làm báo ở một nhà xuất bản do Tổng bộ Tân Việt chủ trương.

      Từ 1936 đến 1939, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia thành lập và làm báo  tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng. Tháng 5 năm 1939, Võ Nguyên Giáp nhận dạy môn  lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội do Hoàng Minh Giám làm giám đốc nhà trường.

       Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương trong năm 1940 và bắt đầu các hoạt động của mình trong Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, một tổ chức chống phát- xít và đấu tranh cho độc lập của Việt Nam. Sau khi từ Trung Quốc trở về Cao bằng, Ông tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh  Cao Bằng. Trong thời gian này, Pháp tăng cường càn quét Việt Bắc, ai mang tài liệu Việt Minh sẽ bị bắn ngay. Võ Nguyên Giáp nhớ lại: Trong thời gian này, ông thường mang theo một quả lựu đạn để nếu bị bắt thì sẽ cho nổ để vừa chết nhanh chóng vừa kéo theo được vài tên địch.

41.png

Võ Nguyên Giáp ( ngoài cùng bên trái) trong buổi lễ

thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

        Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo hướng dẫn của Hồ Chí Minh, ông thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 25 tháng 12 năm 1944, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân này lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần.

         Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chiến tranh Đông Dương chính thức bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, ông bắt đầu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống lại sự trở lại của người Pháp (1945-1954) trên cương vị Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy, từ năm 1949 đổi tên gọi là Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân uỷ. Không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28 tháng 5 năm 1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20 tháng 1 năm 1948, Ông trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam khi 37 tuổi. Sau này, trả lời phóng viên nước ngoài về tiêu chí phong tướng, Hồ Chí Minh đã nói: "Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, thắng trung tướng phong trung tướng, thắng đại tướng phong đại tướng"

        Từ tháng 8 năm 1945 Võ Nguyên Giáp là một trong 5 ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dươngvà trở thành ủy viên Bộ Chính trị (thay thế Ban Thường vụ Trung ương) Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1951. Như các danh tướng Việt Nam trong lịch sử, Võ Nguyên Giáp chú trọng nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông có tên gọi là Chiến tranh nhân dân kế thừa quan điểm quân sự Hồ Chí Minh, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên, tri thức quân sự thế giới, lý luận quân sự Mác-Lênin và được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân được liên tục cập nhật trong nhiều cuộc chiến tranh mà nổi bật là chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.

4.png

Võ Nguyên Giáp duyệt đội hình danh dự của QĐVN trong cách mạng tháng 8

       Trong 9 năm trường kỳ đánh Pháp, Võ Nguyên Giáp đã có những sáng kiến quan trọng để phát huy sức mạnh quân sự và đã trở thành những kinh nghiệm quý báu như: "Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung". Với chuyên gia quân sự Trung Quốc sang giúp huấn luyện quân đội, ông chỉ đạo chiến sĩ học tập, tiếp thu, nghiên cứu kỹ phương pháp của nước bạn, đồng thời nhắc nhở cán bộ, sĩ quan phải ghi nhớ việc tiết kiệm sinh mạng bộ đội do Việt Nam là nước nhỏ không thể nuôi nhiều quân.

       Năm 1954, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh và Đảng Lao động tin tưởng trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi ra trận, Hồ Chí Minh đã dặn dò: "Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn". Ông tự tin lên kế hoạch và chỉ huy 4 trong 6 sư đoàn bộ binh khi đó của Quân đội Nhân dân Việt Nam là 308, 304, 312, 316 và Đại đoàn sơn pháo 351 tấn công Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề được trang bị hiện đại của Liên hiệp Pháp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “ Tôi sống ngày nào, cũng là vì Đất nước ngày đó”. Ông là con người lịch sử và là con người của thời đại, ông đã đổi phương châm tác chiến từ: “ Đánh nhanh giải quyết nhanh, chuyển sang đánh nhanh tiến chắc”. Một thay đổi đưa đến chiến thắng tuyệt đối trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 được coi là quyết định to lớn và khó khăn nhất trong cuộc đời Ông. Ông luôn lo nghĩ cho vận mệnh của Đất nước và Ông không bao giờ đặt tính mạng của người dân, những người chiến sĩ để đánh đổi sự tự do của Đất nước. Ông luôn coi trọng tính mạng của họ vì vậy mà Ông đã chuyển sang “ Đánh nhanh tiến chắc” để đưa Đất nước thoát khỏi cảnh nô lệ. Chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho quyền lực của người Pháp tại Đông Dương sau 83 năm và đã đưa Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới như là một danh nhân quân sự Việt Nam, một người hùng của Thế giới thứ ba, nơi có những người dân bị nô dịch đã xem Ông là thần tượng để hạ quyết tâm lật đổ chế độ thực dân xây dựng nền độc lập của riêng mình.

6.png

Tướng Giáp báo cáo kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ

        Các chiến dịch ông đã tham gia với tư cách là Tư lệnh chiến dịch - Bí thư Đảng ủy trong kháng chiến chống Pháp cùng với Thiếu tướng Hoàng Văn Thái làm tham mưu trưởng chiến dịch: Chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947); Chiến dịch Biên giới (tháng 9 - 10, năm 1950); Chiến dịch Trung Du (tháng 12 năm 1950); Chiến dịch Đông Bắc (năm 1951); Chiến dịch Đồng Bằng (tháng 5 năm 1951); Chiến dịch Hòa Bình (tháng 12 năm 1951); Chiến dịch Tây Bắc (tháng 9 năm 1952); Chiến dịch Thượng Lào (tháng 4 năm 1953); Chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 3 - 5 năm 1954).Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ mang đậm việc tạo thế, tổ chức hậu cần, thay đổi chiến thuật. Sau chiến dịch này, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, đặt dấu chấm hết cho sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam sau hơn 80 năm.

       Nhân dân Việt Nam vui mừng hưởng độc lập chưa được bao lâu thì đế quốc Mĩ đem quân xâm lược, công cuộc kháng chiến chống Mĩ bảo vệ đất nước lại bắt đầu. Năm 1959, được Bộ Chính trị đồng ý, Võ Nguyên Giáp đã quyết định thành lập Đoàn 559 mở đường mòn dọc dãy Trường Sơn để tiếp ứng phong trào cách mạng miền nam Việt Nam. Nhờ việc mở đường Trường Sơn, phong trào cách mạng và hoạt động du kích miền Nam phát triển rất mạnh. Sau 4 năm, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thành lập được một số đơn vị cấp trung đoàn. Năm 1964, được Bộ Chính trị đồng ý, Võ Nguyên Giáp đã bí mật cử Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn vào chiến trường Đông Nam Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam đánh lớn tại Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Đồng Xoài... tạo chuyển biến chiến trường và thành lập các Sư đoàn 1, 2, 3, 5, 7, 9 nổi tiếng.

        Năm 1965 quân Mỹ bắt đầu thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ. Quy mô quân viễn chinh Mỹ đã lên tới hơn 500.000 ngàn vào cuối năm 1967, cùng với đó là hàng ngàn máy bay, trực thăng và xe thiết giáp. Đối phó với quân Mỹ, Võ Nguyên Giáp vẫn kiên trì đường lối chiến tranh nhân dân - "trường kỳ kháng chiến" như Chiến tranh Đông Dương trước đó. Kết quả là hai cuộc tiến công mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ đã thất bại, họ đã không thể tiêu diệt được quân Giải phóng và bình định miền Nam Việt Nam trong 18 tháng như kế hoạch ban đầu, và quân Mỹ bắt đầu sa lầy vào một cuộc chiến hao tổn, mệt mỏi và không có dấu hiệu kết thúc. Ký giả James Fox nhận xét: tướng Giáp đã thi hành một đường lối không quá khác biệt nhưng vô cùng hiệu quả, và quân Mỹ đã rút ra được rất ít bài học từ người Pháp trước đó. Trong số ra ngày 9/2/1968, tạp chí Time của Mỹ đã đăng bài viết dài, kèm theo bức ảnh vẽ trang bìa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bài viết với tít lớn nổi bật, nguyên văn tiếng Anh  North VietNam: The Red Napoleon, tác giả bài viết đã dành một lượng lớn thông tin nói về Tướng Võ Nguyên Giáp, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà quân sự kiệt xuất kèm theo câu nói nổi tiếng của ông những năm chiến tranh: "Skike to win, Skike Only when Success is Certain, if it is not, then dont' strike". (Tạm dịch: Đánh là thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh).

7.png

Võ Nguyên Giáp trên tạp chi Time

       Năm 1968, Bộ Chính trị  Quân ủy Trung ương tại Hà Nội phát động cuộc Tổng Tấn công và Nổi dậy Tết Mậu Thân. Bản thân ông đã tham gia lập kế hoạch, nhưng khi Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10 và tháng 12 năm 1967 quyết định mở chiến dịch thì ông đang đi chữa bệnh ở Hungary. Ông trở về tháng 1 năm 1968. Hội nghị Trung ương lần thứ 14 tháng 1/1968 thông qua quyết định của Bộ Chính trị quyết định Tổng tiến công. Chiến dịch Mậu Thân làm suy yếu ý chí xâm lược của Mỹ, thúc đẩy phong trào phản chiến ở Mỹ và trên khắp thế giới nhưng về quân sự có những tổn thất không đáng có và có nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm. Cuốn hồi ức mang tên "Tổng hành dinh trong Mùa xuân đại thắng" do Võ Nguyên Giáp xuất bản lần đầu năm 2001 đã thuật lại những hoạt động của ông vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1972 đến năm 1975.

        Cuối năm 1972, Võ Nguyên Giáp đã bố trí lực lượng đánh trả cuộc tập kích đường không của Không lực Mỹ suốt 12 ngày đêm. Thất bại trong chiến dịch này buộc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris với những điều khoản nhân nhượng mà chính họ trước đó đã từ chối. Năm 1974, để nắm vững tình hình thực tế chiến trường và có quyết sách đúng đắn, Đại tướng cùng Tư lệnh trưởng Đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên và chính ủy Đặng Tính đã vượt hàng trăm cây số đi thăm bộ đội Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh và kiểm tra sự chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy dự kiến vào mùa Xuân 1975.

8.png

Xe tăng tiến vào dinh Độc Lập năm 1975

        Năm 1975, Võ Nguyên Giáp đã tán thành đề xuất của Trung tướng Hoàng Minh Thảo chọn địa bàn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược, xin ý kiến Bộ Chính trị và cử Đại tướng Văn Tiến Dũng vào Nam chỉ đạo đánh đòn "điểm huyệt" vào hệ thống phòng ngự của Việt Nam Cộng hòa tại Buôn Mê Thuột. Chính ông nhân đà thắng trận Buôn Ma Thuột, trực tiếp ra lệnh Trung tướng Lê Trọng Tấn gấp rút giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày. Chính ông đề xuất và ra quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh mà trong đó Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Trần Văn Trà làm Phó Tư lệnh, chỉ huy 5 cánh quân với sức mạnh của 20 sư đoàn đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. Mệnh lệnh nổi tiếng nhất của ông chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh là "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng".

        Đất nước mới vừa thống nhất ngày 30 tháng 4 năm 1975, đã bị quân Khmer Đỏ vượt biên giới Tây Nam tiến vào Việt Nam và xung đột với Việt Nam trong một thời gian dài, Khmer Đỏ được hậu thuẫn từ Trung Quốc và sau đó có Thái Lan một phần gây xung đột biên giới với Việt Nam từ năm 1975 mãi đến năm 1990 mới chấm dứt, đỉnh điểm là cuộc Chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979 khiến chủ tịch nước lúc đó là Tôn Đức Thắng phải ký sắc lệnh Tổng động viên Quân đội toàn quốc, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Phó tổng tư lệnh ông lại một lần nữa chỉ huy quân đội toàn quốc chiến đấu. Sau khi cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc kết thúc, không có thay đổi lãnh thổ đáng kể giữa Việt Nam và Trung Quốc.

        Ngày 7 tháng 2 năm 1980, ông thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng  nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị (đến năm 1982) và Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật. Người thay thế ông ở Bộ Quốc phòng là Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Văn Tiến Dũng là một trong những lãnh đạo quân đội lâu năm nhất cùng thời với Võ Nguyên Giáp. Năm 1983 ông được Hội đồng Bộ trưởng phân công kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch khi Ủy ban này được thành lập (cùng với một số Bộ trưởng các Bộ và Tổ chức khác làm phó). Năm 1991, ông thôi chức ủy viên Trung ương, Phó Thủ tướng, nghỉ hưu ở tuổi 80. Theo tiểu sử tóm tắt khi ông mất, ông đảm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến tháng 12/1986.

         Thời gian cuối đời, ông vẫn quan tâm và đưa ra một số lời bình luận trên mặt báo về tình hình đất nước như có bài báo yêu cầu kiểm định và báo cáo Đại hội Đảng Cộng sản X về Vụ PMU18, hay cuộc gặp gỡ và khuyến khích doanh nhân làm xuất khâu nông sản. Vào ngày 1 tháng 11 năm 2007 ông gửi thư trong đó bày tỏ sự phản đối chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội ở khu di tích 18 Hoàng Diệu. Ông cũng có bài viết thực trạng và kiến nghị 6 vấn đề "cơ bản và cấp bách" nhằm triển khai có kết quả công cuộc đổi mới nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam hiện nay. Vào đầu năm 2009, ông góp ý về Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, không dưới 3 lần, ông đã viết thư yêu cầu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dừng dự án này, vì lý do an ninh quốc gia và vấn đề môi trường.

9.png

Phim tài liệu về Bác Giáp trên VTV1 đài truyền hình Việt Nam

        Ngày 25 tháng 8 năm 2011, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mừng đại thọ tròn 100 tuổi. Trong dịp ông bước sang tuổi 100 và tròn 70 năm tuổi đảng. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu "Một vị đại tướng mà đã vào sinh ra tử, chiến đấu ở những chiến trường hết sức khó khăn, là thế hệ cận vệ học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh nay đã sống trên 100 tuổi, đây là điều hết sức vui mừng..." Đại tướng cũng thường xuyên được các chính khách hàng đầu trên thế giới đến thăm hỏi tại tư dinh của Đại tướng. Đại tướng được coi là một tượng đài sống và có ảnh hưởng sâu rộng đến Việt Nam, tầm ảnh hưởng lớn trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Sau 100 tuổi, sức khỏe của ông yếu hơn trước. Ngày 22 tháng 5 năm 2011, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát sóng chương trình thời sự với hình ảnh ông đang thực hiện việc bỏ phiếu thực hiện quyền công dân của mình trong cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, xóa đi những đồn đoán về sức khỏe của ông trên những phương tiện thông tin không chính thống.Trong dịp Ngày Thương binh Liệt sĩ 27 tháng 7 năm 2011, Truyền hình Quân đội nhân dân phát sóng hình ảnh Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Hữu Đức đến thăm hỏi một số tướng lĩnh cao cấp đang nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108,trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua theo dõi trong hình ảnh thì sức khỏe Đại tướng đã tốt lên nhiều.

          Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời vào hồi 18h09 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013, tại Viện quân y 108, Hà Nội, nơi ông nằm điều trị từ năm 2009, hưởng thọ 103 tuổi (tuổi âm) và là Đại tướng Việt Nam sống thọ nhất.

 

10.png

     Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp  

 Văn phòng Ban chấp hành Trung ương Đảng thông báo tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 12 và 13 tháng 10 năm 2013 và ông được an táng tại quê hương Quảng Bình, theo ý nguyện của ông và gia đình. Địa điểm an táng là khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình, nằm cách đèo Ngang khoảng 4 km.

        Dẫu vẫn biết con người rồi cũng phải kết thúc một đời người, không ai tránh khỏi sự chia li nhưng nỗi buồn cứ xâm chiếm trong lòng toàn dân Việt Nam khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi để lại niềm đau xót vô bờ trong lòng mỗi người

                                          Cả nước yêu thương Bác đến nghẹn lòng,
                                     Chúng con làm Quốc tang trên từng trang viết.
                                              Quá đau đớn để nói lời vĩnh biệt,
                                          Vị tướng toàn tài, đức độ - ông tiên
.

        Hòa trong nổi đau thương của nhân dân cả nước, người dân tộc Bru Vân kiều ở Ngân Thủy, thầy và trò trường PTDTBT TH&THCS Ngân Thủy cũng ngậm ngùi gạt nước mắt tiễn đưa Người về nơi chín suối. Trước đây các em hầu như không được học và cũng chưa được đọc về Đại tướng, chỉ nghe nói Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài giỏi đã lãnh đạo quân đội nhân dân Việt Nam đánh thắng bọn thực dân, đế quốc sừng sỏ nhất trên thế giới. Khi Đại tướng mất, các em mới có dịp được đọc, được nghe những câu chuyện về Người, cảm động và khâm phục Đại tướng vô cùng. Đại tướng tài ba trong lĩnh vực quân sự bao nhiêu thì lại càng giản dị, nhân ái trong cuộc sống bấy nhiêu. Cuộc đời của đại tướng đẹp như một bài thơ Đại tướng đã sống, đã cống hiến trọn đời mình cho dân, cho nước. Đại tướng là người kết tinh những tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Tài thao lược, lòng nhân ái, tâm hồn thanh cao và rất đỗi giản dị chỉ có ở vị Đại tướng huyền thoại - Võ Nguyên Giáp một bông hoa đất Việt đã kế thừa và phát huy trọn vẹn ý nguyện của vị cha già dân tộc - Hồ Chí Minh.

11.png

        Đi dọc theo con đường 10 lịch sử đến ngay Km14 là bản trung tâm của xã Ngân Thủy. Bản làng đấy bạt ngàn màu xanh, những dãy núi đá vôi uy nghi, hùng vĩ, phong cảnh thật đẹp nhưng ít ai biết rằng cũng chính nơi đây đã từng in dấu chân của vị tướng tài ba này trong chiến dịch đường 9 Nam Lào. Di tích lịch sử trạm thông tin Hang A72, hang Văn công, hang ông Giáp là những minh chứng hùng hồn nhất về cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của đất nước nói chung và của người Vân Kiều nói riêng.

12.png

Hang Ông Giáp ở bản Khe Sung- Ngân Thủy

        Nhân kỷ niêm 110 năm ngày sinh đại tướng ( 25/8/1911- 25/8/2021), thầy và trò trường PTDTBT TH&THCS Ngân Thủy xin gửi đến Bác những lời tri ân sâu sắc nhất, cùng lời hứa nguyện quyết tâm học tập, lao động tốt góp phần công sức nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Mùa thu lặng lẽ vòng tạo hóa

Đại tướng! Ngàn thu ru giấc người

        Đặc biệt chúng ta hãy sống, hãy học tập noi theo tấm gương của Bác, một người con vĩ đại, một vị tướng huyền thoại về với cõi vĩnh hằng về với đất mẹ nhưng lòng vẫn hướng về dân, về nước... Mỗi người trong chúng ta hãy phát huy tinh thần yêu nước, phát huy phẩm chất truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ để tô thắm thêm truyền thống lịch sử dân tộc.


Ngô Quốc Phương ( Tổng hợp)

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Võ Đức Liến
Võ Đức Liến
Hiệu trưởng-0886167667
Ngô Quốc Phương
Ngô Quốc Phương
Admin-0383306510
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG TH VÀ THCS NGÂN THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.2465985 * Email: nganthuy@lethuy.edu.vn