Mảnh đất, con người Lệ Thủy cần cù trong lao động sản xuất, anh dũng trong chiến đấu, minh chứng là những địa danh đã đi vào lịch sử như Xuân Bồ, An Xá, Trung Lộc – Mĩ Thổ của thời kì chống Pháp. Ngược lên miền Tây trong thời kì chống Mỹ, các địa danh như bản Mít, làng Ho, Rum, Vít Thù Lù, Chà Khía, Tăng Kí, Hang Còi… tất cả những địa danh đó khi nhắc đến ai là người Lệ Thủy cũng đều biết rõ. Song còn có một địa danh ít ai biết đến đó là trạm thông tin A72. Với tôi, lên Ngân Thủy đã gần một năm nhưng cũng phải ngỡ ngàng khi nghe đến cái tên A72 với tầm quan trọng và những chiến tích góp phần đảm bảo mạch máu thông tin liên lạc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
A72 là trạm
cơ vụ dã chiến của Trung đoàn Thông tin 134 - Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc,
đặt ở vùng núi phía nam tỉnh Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đây là một trong những trạm đường trục từ Hà Nội vào, bảo đảm thông tin liên
lạc từ Trung ương trực tiếp chỉ đạo các mặt trận phía nam Quân khu 4, Trị Thiên
và Nam Lào. Tháng 5-2009, trạm thông tin A72 đã được Nhà nước cấp bằng Di tích lịch sử
Quốc gia.
Từ đường Hồ Chí Minh đoạn giáp giữa TT
Lệ Ninh và xã Vạn Ninh – Quảng Ninh lên phía Tây dọc theo con đường 10B khoảng
14 km đến trung tâm xã Ngân Thủy, rẽ phải khoảng 3 km là bản Khe Sung đi bộ
vượt dốc, băng rừng khoảng 4-5km nữa là đến dãy núi An bờ nơi đóng tram cơ vụ
dã chiến A72
Vào những năm 1966-1967, khi cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chuyển sang giai đoạn mới quyết liệt hơn, Bộ
Quốc phòng quyết định xây dựng thêm tuyến thông tin dây trần hơn 400 cây số từ
bắc Nghệ An vào sát sông Bến Hải. Từ đường trục này sẽ có nhiều đường nhánh toả
về các địa bàn, để bộ trực tiếp chỉ đạo các mặt trận phía nam Quân khu 4, mặt
trận Trị Thiên, Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559), Đoàn vận tải 500 của
Bộ Giao thông vận tải và mặt trận Nam Lào. Theo đó, Cục Thông tin liên lạc,
tiền thân của Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc sau này - quyết định thành lập Đại
đội 7 trực thuộc Trung đoàn Thông tin 134, quản lý và khai thác tuyến dây trần
hơn 300 cây số từ Giang Sơn-Nghệ An vào điểm cao 316-Vĩnh Linh. Tuyến này có 3
trạm cơ vụ tải ba đều nằm trên đất Quảng Bình là: A69 ở Lèn Hà-Tuyên Hoá; A70 ở
Khương Hà-Bố Trạch và A72 ở An Bờ-Lệ Thuỷ. Trong đó, A72 là trạm cơ vụ loại
lớn, bảo đảm thông tin đường trục từ sở chỉ huy cơ bản ở Hà Nội đến các sở chỉ
huy tiền phương của các lực lượng ở chiến trường. Trạm A72 đặt trong một hệ
thống hang đá dưới chân núi An Bờ của xã Ngân Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Trong những
thời điểm ác liệt hoặc những chiến dịch lớn, hệ thống hang này còn được chọn
đặt sở chỉ huy chiến dịch và sở chỉ huy tiền phương của bộ đội pháo binh, lực
lượng vận tải và các cơ quan tiền phương của Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu,
Tổng cục Hậu cần, Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc v.v..
Do tầm quan trọng như vậy nên trạm
cơ vụ A72 có tới 50 mạch thoại cao tần, 28 đầu máy tải ba các loại và 2 tổng
đài loại 100 số. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Trạm
A72 đã bảo đảm thông tin liên lạc xuất sắc trên cả hai hướng: Đến Sở chỉ huy
tiền phương của Bộ chỉ đạo tác chiến ở Trị Thiên và Sở chỉ huy tiền phương của
Quân khu 4, chỉ đạo kiềm chế pháo binh địch ở Cồn Tiên - Dốc Miếu và ngăn địch
đổ bộ đánh vu hồi đường biển. Đặc biệt, mùa xuân 1971, ngoài nhiệm vụ bảo đảm
thông tin liên lạc cho các hướng chiến trường, A72 còn là trạm đón tiếp các cơ
quan của Bộ Quốc phòng và phái viên cấp cao của Đảng và Nhà nước vào trực tiếp
theo dõi và chỉ đạo chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Nơi đây trở thành trung tâm
chỉ huy chiến dịch. Công việc của cán bộ, chiến sĩ Trạm A72 tăng tới 7-8 lần so
với bình thường. Trong và sau chiến dịch, nhiều tướng lĩnh đang có mặt tại
chiến trường Trị - Thiên lúc đó, như: Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Trung tướng
Lê Trọng Tấn, Thiếu tướng Trần Quý Hai, Thiếu tướng Đàm Quang Trung, Thiếu
tướng Doãn Tuế... đã đến thăm, động viên và khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Trạm
A72...
Theo sự phân công của
Chi bộ, ngày 24/4/2012 tôi làm trưởng đoàn cùng cô giáo TPT Đội và một số thầy
cô dẩn học sinh vào tham quan và làm vệ sinh khu di tích. Dẫn đường cho chúng
tôi là anh Nguyễn Văn Thà – xã đội trưởng, người đã từng dẫn nhiều đoàn cán bộ
đến thăm và khảo khảo sát khu di tích này. Từ chân núi đá ngước lên chỉ thấy um
tùm cây cối. Vạch lối leo lên, hiện ra một vòm hang rộng, điểm ngoài cùng là
một căn phòng rộng chừng 50 m2 tường xây cao 1,5m, theo anh Thà thì
đây là nơi để đặt máy nổ, hàng hóa. Rẽ sang trái và leo lên một quảng bắt gặp
một phòng kính rộng chừng 40m2 gọi là hang Cơ Yếu dùng làm trạm máy
móc thông tin, trên vách đá còn dấu tích nhiều chữ viết và vài nút sứ cách điện
như để chứng minh nơi đây từng có những đường dây điện chạy qua. Leo tiếp 72
bậc đá nữa là hang Chỉ Huy (con số 72 đó chắc là ngày trước bộ đội cố tình xếp
ngần ấy bậc để trùng với phiên hiệu trạm A72). Trước cữa hang là một tấm bình
phong bị một khối đá lớn đỗ xuống đè lên và che lấp cả miệng hang chỉ còn một
lối nhỏ đủ cho một người chui vào. Chúng tôi lần lượt chui vào hang, trong hang
túi om, mát lạnh, dơi đập cánh bay vù vù. Bật đèn pin thấy hang rộng chừng 5m
dài chừng 40-50m được đổ bê tông cốt thép kiên cố, ngày trước hang này đặt các
sở chỉ huy tiền phương, chắc có nhà báo ở cùng, hoặc có bộ phận quân bưu vận
chuyển sách báo cho mặt trận, hoặc có các cơ quan “bàn giấy” nên gọi mật danh
như thế để giữ bí mật. Vào sâu tận cuối hang có một lối nhỏ lên phía trên rộng
chuông vuông chừng 1m, chúng tôi leo lên một quãng thấy ớn lạnh trong người
đành quay lui. Theo anh Thà thì có khả năng lối này thông lên tới đỉnh để bộ
đội đặt trạm quan sát. Nhìn một cách tổng thể thì toàn bộ khu di tích được bố
trí một cách hợp lí thuận tiện trong quá trình làm việc và sinh hoạt. Đường vào
hiễm trở đảm bảo tính bí mật cao, hang được xây dựng bằng bê tông cốt thép hết
sức vững chắc có thể chống đỡ được những đợt bắn phá của máy bay địch, chống
được các hiện tường lỡ núi, sập hang. Chính vì vậy mà trong suốt thời gian hoạt
động Trạm A72 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin liên lạc và là nơi dừng
chân của các cán bộ cấp cao của ta vào chỉ huy mặt trận phía Nam.
Không thể nán lại được nữa vì trời đã quá
trưa chúng tôi đành quay về mặc dù vẫn muốn ở lại để ngắm cảnh và thưởng thức
không khí trong lành, mát mẽ nơi đây. Quả là thiên nhiên đã ban tặng cho chúng
ta một dãy Trường Sơn kì vĩ và thế hệ cha anh chúng ta đã dùng cả mồ hôi xương
máu làm nên những chiến tích vĩ đại để tô điểm thêm cho nó những trang sử hào
hùng oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến trường kì.
Hiện
nay trên địa bàn xã Ngân Thủy vẫn còn nhiều di tích như hang Ông Giáp, hang Sân
Khấu… (tên mà người dân trong thôn bản tự đặt cho) chứa đựng nhiều thông tin về
lịch sử gắn liền với những chiến công của Đường 10, Đường 16 nói riêng góp phần
vào thắng lợi của cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975. Tôi sẽ tìm
hiểu sâu hơn! Hi vọng rằng dưới sự quan tâm của Đảng, Chính quyền các cấp những
di tích trên sẽ được giữ gìn, tôn tạo trở thành điểm đến của cán bộ, nhân dân,
học sinh… làm sống lại những trang sử vẽ vang hào hùng của cuộc kháng chiến
trường kì chống để quốc Mỹ, giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử dân
tộc.
Ngân Thủy, tháng 4/2012
Lê Viết Cường
(Bài viết có sử dụng tư liệu)